Tin tức

Việt Nam ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong khám chữa bệnh

Trí tuệ nhân tạo (AI) đang làm thay đổi toàn bộ thế giới về mọi mặt, giáo sư Nguyễn Tiến Dũng, Đại học Toulouse (Pháp) nhận định tại hội thảo AI trong y tế diễn ra tuần trước.

Theo ông Dũng, y tế là một trong các lĩnh vực có nhiều ứng dụng AI, sẽ làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt ngành y tế trong những năm tới. 

"Trí tuệ nhân tạo sẽ làm giảm 50% chi phí khám chữa bệnh và tăng 40% hiệu quả khám chữa bệnh. Cùng một đồng tiền bỏ ra, bệnh nhân được khám chữa bệnh tốt hơn gấp 3 lần nhờ có AI", ông Dũng nói.

AI được dự báo 10 năm tới sẽ giúp Mỹ tiết kiệm mỗi năm 150 tỷ USD. Thế giới cũng tiết kiệm khoảng 500 tỷ USD vào năm 2026 nhờ AI.

Ông Phạm Xuân Viết, Phó Cục trưởng Công nghệ thông tin, Bộ Y tế, cho rằng y tế Việt Nam muốn không lạc hậu thì cần phải ứng dụng AI. Hiện, nhiều phần mềm, hệ thống có hợp phần chính là AI đã được ứng dụng hiệu quả trong y tế.

"Một hệ thống AI hỗ trợ chẩn đoán ung thư đã được Việt Nam vận hành trên thực tế và được các chuyên gia y tế đánh giá cao", ông Viết thông tin.

Hệ thống này tên IBM Watson for Oncology (IBM WFO), Mỹ, ứng dụng trí tuệ nhân tạo hỗ trợ đưa ra phác đồ điều trị ung thư. IBM WFO hỗ trợ thông tin liên quan 13 loại ung thư phổ biến như ung thư vú, phổi, dạ dày, đại tràng, trực tràng..., đã triển khai ở hơn 80 bệnh viện và cơ sở y tế tại 13 quốc gia

Ở Việt Nam bệnh viện đầu tiên áp dụng IBM WFO là Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, sau đó đến Bệnh viện K và Bệnh viện Ung bướu TP HCM bắt đầu ứng dụng mô hình này.

Đầu tháng 1, Cục Công nghệ thông tin của Bộ Y tế đánh giá hệ thống này bước đầu có kết quả khả quan.

"Số liệu chưa nhiều, nhưng ở cả 3 bệnh viện cho thấy sự tương đồng giữa phác đồ điều trị của các bác sĩ và phác đồ điều trị do AI đưa ra là khá cao", Hội đồng xem xét phần mềm IBM Waston for Oncology nhận định.

Theo lãnh đạo Cục Công nghệ thông tin, ứng dụng trí tuệ nhân tạo nghe lạ lẫm, khó hiểu nhưng thực chất là các bác sĩ sử dụng phần mềm tích hợp hàng triệu bệnh án và phương án điều trị ung thư tại Mỹ. Khi bác sĩ nhập dữ liệu thông tin của người bệnh vào IBM WFO, hệ thống sẽ xử lý và đưa ra các phác đồ điều trị với các thứ tự ưu tiên về tính hiệu quả và bằng chứng chứng minh cho phác đồ đó. Bác sĩ sẽ quyết định cuối cùng phác đồ nào tốt nhất với bệnh nhân.

Trước đây bác sĩ mất 29 giờ để đưa ra phác đồ điều trị một bệnh nhân thì nay nhờ AI chỉ mất 2 phút, tiết kiệm được thời gian và công sức rất nhiều. Khi sử dụng hệ thống, bệnh nhân như được hội chẩn với đội ngũ bác sĩ đầu ngành tại Mỹ mà không phải ra nước ngoài.

Ngoài ra, hệ thống quản lý bệnh viện FPT.eHospital ứng dụng trí tuệ nhân tạo và công nghệ 4.0 được FPT xây dựng từ năm 2000 đến nay đã được ứng dụng thành công tại trên 200 cơ sở y tế trên toàn quốc.

Hệ thống này tích hợp AI và các công nghệ mới giúp bệnh viện quản lý, vận hành trực tuyến theo thời gian thực. Nhờ đó các bác sĩ tối ưu hóa công việc khám chữa bệnh với độ chính xác cao và giúp bệnh nhân giảm thời gian chờ đợi đăng ký từ 4 phút xuống còn một phút.

FPT.eHospital cũng giúp lãnh đạo bệnh viện quản lý hoạt động với các số liệu trực tuyến theo thời gian thực, tích hợp chữ ký số, bệnh án điện tử... hướng đến xây dựng bệnh viện không giấy tờ.

Với các bác sĩ, hệ thống này cũng hỗ trợ khám chữa bệnh từ xa, giảm rủi ro, sai sót thông qua việc cảnh báo tương tác thuốc, sự trùng lặp các toa thuốc.

Các chuyên gia đang nghiên cứu ứng dụng AI để khai thác bệnh án điện tử ở Việt Nam, như nhận dạng tiếng nói để tạo bệnh án điện tử, nghiên cứu sử dụng thuốc, gợi ý phác đồ điều trị cho bệnh nhân... Theo giáo sư Hồ Tú Bảo, ứng dụng AI để khai thác dữ liệu bệnh án điện tử sẽ tạo bước tiến lớn trong ngành y.

(nguồn: https://vnexpress.net/suc-khoe/viet-nam-ung-dung-tri-tue-nhan-tao-trong-kham-chua-benh-3886980.html)

.

Tin cùng danh mục