HỆ THỐNG GIAO THÔNG - THÔNG MINH (ITS)
Giao thông thông minh (ITS - lntelligent Transport System) là hệ thống được ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ, gồm các thiết bị như cảm biến, điện tử, tin học, viễn thông để điều khiển, điều hành và quản lý các hệ thống giao thông vận tải tối ưu nhất nhằm giảm thiểu ùn tắc giao thông, giảm tại nạn, giảm tiêu hao nhiên liệu làm hạn chế ô nhiễm môi trường.
ITS là công nghệ mới phát triển trên thế giới, được sử dụng để giải quyết các vấn đề của giao thông đường bộ, bao gồm tai nạn và ùn tắc giao thông. ITS sử dụng các tiến bộ của công nghệ thông tin và viễn thông để liên kết giữa con người, hệ thống đường giao thông và phương tiện giao thông lưu thông trên đường thành một mạng lưới thông tin và viễn thông phục vụ cho việc lưu thông tối ưu trên đường cao tốc.
ITS bao gồm: Con người, phương tiện tham gia giao thông, cơ sở hạ tầng giao thông là các thành phần chính của hệ thống, được liên kết chặt chẽ với nhau nhằm bảo đảm cho hệ thống giao thông đạt các mục tiêu sau:
- Giúp hoàn thiện kết cấu hạ tầng đường bộ và xử lý khẩn cấp các sự cố giao thông
- Hiện đại hoá các trạm thu phí tự động và trạm cân điện tử.
- Giảm tai nạn, ùn tắc giao thông và giảm ô nhiễm môi trường.
- Tiết kiệm thời gian, tiền bạc và nhiên liệu, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa.
- Quản lý các đường trục giao thông chính, điều tiết việc đi lại của phương tiện trên đường bằng biển báo điện tử.
- Tạo ra hệ thống thông tin cho người đi đường, phổ cập văn hoá giao thông và hỗ trợ quá trình khai thác, điều hành hệ thống giao thông công cộng, chống kẹt xe.
- Góp phần trong việc sản xuất các phương tiện thông minh, hạn chế ô nhiễm môi trường và nâng cao hiệu quả của thiết bị an toàn giao thông.
Các thiết bị cảm biến sẽ được lắp đặt trên mặt đường để thu thập các thông tin về luồng giao thông, khí hậu, thời tiết,…các thông tin này được hệ thống máy tính phân tích và xử lý, sau đó cung cấp trở lại cho tài xế về tình hình giao thông trên đường (tai nạn, ùn tắc giao thông, thời tiết…) để tài xế chọn giải pháp giao thông tối ưu, giúp hạn chế tối đa tai nạn và ùn tắc giao thông, đảm bảo thời gian đi lại ngắn nhất và an toàn nhất cho các phương tiện đang lưu thông trên đường.
Các hệ thống chính bao gồm:
- Hệ thống phần mềm quản lý và điều hành giao thông (Traffic Management System – TMS)
- Hệ thống điều khiển đèn tín hiệu giao thông và dòng lưu thông (Traffic Flow Control System – TFC)
- Hệ thống kiểm soát an toàn giao thông (Traffic Enforcement System - TES)
- Hệ thống quản lý xe Bus (Bus Management System - BMS)
- Hệ thống vé liên thông (Automatic Fare Collection System - AFC)
- Hệ thống quản lý và thu phí bãi đỗ (Parking Control System – PCS)
- Hệ thống thu phí đường bộ (Toll Collection System - TCS)
- Hệ thống bảng quang báo hiển thị thông tin giao thông trực tuyến
- Hệ thống đo đếm và phân tích lưu lượng xe lưu thông
- Hệ thống thu phí không dừng
- Hệ thống quản lý xe buýt
- Hệ thống cân tự động
- Hệ thống giám sát trật tự an toàn giao thông: giám sát tốc độ phương tiện lưu thông, giám sát vị phạm hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, sai làn, lấn tuyến, ngược chiều . . .
Thông minh hóa hệ thống giao thông chính là giảm vai trò của con người trong điều hành giao thông. Khi con người không còn vai trò gì thì sẽ đạt đến mức tự động hóa. Đây chính là mục tiêu cao nhất của ITS. Để đạt được mục tiêu này, ITS phải có 3 giai đoạn: thu thập thông tin, xử lý thông tin và đưa thông tin được xử lý tới người tham gia giao thông.
Đây là hệ thống bao gồm các phương tiện truyền hình, nối mạng quản lý toàn quốc. Nhà quản lý chỉ cần ngồi một chỗ vẫn có thể bao quát được toàn bộ hệ thống đường toàn quốc. Đơn cử, một sự kiện đang xảy ra trên một điểm của đường cao tốc có thể lập tức được thông báo trong toàn hệ thống quản lý và sử dụng đường cao tốc, đồng thời kết nối với tổ chức thanh tra giao thông trên toàn quốc để kịp thời xử lý.