Tin tức

Làm việc lưu động” với sự hỗ trợ của công nghệ có thể cải thiện chất lượng cuộc sống TP.HCM

Thông tin từ Đại học RMIT Việt Nam cho hay, nghiên cứu “Khảo sát về làm việc lưu động như một phương thức giúp TP.HCM nhanh chóng chuyển đổi thành thành phố đáng sống hơn” mới đây đã được công bố trên Journal of Cleaner Production (Tạp chí Sản xuất sạch). Nghiên cứu này tìm hiểu về ảnh hưởng của ùn tắt giao thông, ô nhiễm không khí và cơ sở hạ tầng hạn chế lên điều kiện sống ở thành phố có nền kinh tế đang phát triển tăng vọt này.

“Khảo sát về làm việc lưu động như một phương thức giúp TP.HCM nhanh chóng chuyển đổi thành thành phố đáng sống hơn” là công trình nghiên cứu hợp tác giữa Đại học RMIT và Đại học Swinburne. Tiến sĩ Akbari, giảng viên Đại học RMIT cùng đồng tác giả - Tiến sĩ John Hopkins, Đại học Swinburne đã xây dựng khảo sát chi tiết để tìm hiểu cách người dân TP.HCM di chuyển từ nhà đến công sở hàng ngày và theo dõi hành trình của 201 người tham gia khảo sát trong suốt 2 năm.

Tiến sĩ Reza Akbari, Giảng viên RMIT Việt Nam đồng thời là Chủ nhiệm công trình nghiên cứu “Khảo sát về làm việc lưu động như một phương thức giúp TP.HCM nhanh chóng chuyển đổi thành thành phố đáng sống hơn” (Ảnh RMIT Việt Nam cung cấp)

Tiến sĩ Reza Akbari, Giảng viên RMIT Việt Nam đồng thời là Chủ nhiệm công trình, cho biết nghiên cứu lấy cảm hứng từ tốc độ phát triển chóng mặt của thành phố, điều sẽ tạo ra “nhiều thách thức” không thể tránh khỏi liên quan đến ùn tắc giao thông và ô nhiễm.

 “Chúng tôi tìm hiểu các phương pháp hoặc cách làm có thể biến chuyển những thách thức này bằng cách nghiên cứu cách thức làm việc lưu động”, Tiến sĩ Reza Akbari chia sẻ.

 

 

 

 

 

Nghiên cứu cho thấy độ tuổi có tỉ lệ không đồng ý làm việc lưu động cao nhất là dưới 24 tuổi và điều này trái ngược với những nghiên cứu tương tự tại các quốc gia khác (Ảnh RMIT Việt Nam cung cấp)

Tiến sĩ Reza Akbari mô tả, cách làm việc lưu động như một mô hình làm việc bên ngoài không gian văn phòng truyền thống và nhân viên liên lạc với nhau bằng công nghệ đám mây. Vì lượng xe hơi và xe máy lưu thông trên đường phố TP.HCM hàng ngày càng tăng, Tiến sĩ Reza Akbari tin rằng làm việc lưu động là phương thức khả thi để rút ngắn khoảng cách di chuyển đến nơi làm việc.

Tiến sĩ Reza Akbari cho biết thêm, làm việc lưu động không chỉ là làm việc tại nhà. Chúng ta có thể có nhiều cơ sở hoặc văn phòng khác nhau ở các quận khác nhau, để mọi người có thể làm việc tại đó mà không phải đi một quãng đường dài đến Quận 1 - khu trung tâm của TP.HCM hoặc đi từ đầu này đến đầu kia thành phố.

Nghiên cứu chỉ ra được thời gian di chuyển trung bình từ nhà đến nơi làm việc và trở về của người tham gia khảo sát là 140 phút. Thời gian ngắn nhất là năm phút, còn thời gian dài nhất là 205 phút. 74% người tham gia giao thông cho biết họ muốn làm việc lưu động, nhưng chỉ có 41% được công ty cho phép và 29% thừa nhận họ không biết liệu công ty nơi họ đang làm việc có áp dụng phương thức này hay không.

Một điểm hết sức ngạc nhiên là nghiên cứu cho thấy độ tuổi có tỉ lệ không đồng ý làm việc lưu động cao nhất là dưới 24 tuổi. Điều này trái ngược với những nghiên cứu tương tự tại các quốc gia khác. “Thách thức lớn nhất trong việc thực hiện hình thức làm việc lưu động tại TP.HCM về lâu dài là sự phản đối của nhóm người trẻ tuổi nhất. Đây là kết quả bất ngờ và cần được nghiên cứu thêm”, Tiến sĩ Reza Akbari chia sẻ.

( Theo Nguồn: https://ictnews.vn/cntt/cuoc-song-thong-minh/lam-viec-luu-dong-voi-su-ho-tro-cua-cong-nghe-co-the-cai-thien-chat-luong-cuoc-song-tp-hcm-179915.ict)

Tin cùng danh mục